4 cách soi pháp lý dự án bất động sản hiệu quả
Ngày tạo: 21/12/2020 Đã xem: 3378
4 cách soi pháp lý dự án bất động sản hiệu quả
Tính pháp lý là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định việc khách hàng an tâm mua nhà tại một dự án bất động sản. Trong trường hợp thiếu kinh nghiệm và không am hiểu về luật, người mua có thể tham khảo 4 cách kiểm tra pháp lý dự án nhanh chóng và hiệu quả dưới đây:
1. Kiểm tra giấy thông hành của dự án BĐS
2 loại giấy thông hành mà khách hàng cần kiểm tra trước khi xuống tiền vào các dự án, đó là: Văn bản thông báo dự án đủ điều kiện bán (do Sở Xây dựng cấp) và chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.
Văn bản thông báo đủ điều kiện bán có ý nghĩa xác nhận dự án đó đã hoàn tất phần móng cũng như các vấn đề về pháp lý liên quan. Đây là thời điểm hợp pháp (được quy định trong luật) mà chủ đầu tư dự án được phép huy động vốn từ khách hàng.
Còn chứng thư bảo lãnh là một trong những điều kiện quan trọng được quy định trong thông tư của Ngân hàng Nhà nước, nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng mua chung cư, tài sản hình thành trong tương lai. Theo đó, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Ngân hàng sẽ có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết nếu có 2 điều kiện:
- Chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết
- Bên thuê, mua có yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu Ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình.
Khách hàng cần kiểm tra giấy thông hành của dự án BĐS trước khi
quyết định mua hoặc đầu tư. Ảnh minh họa
Nhằm né những dự án tiềm ẩn rủi ro, tránh nỗi lo nợ xấu, các ngân hàng sẽ rà soát tính pháp lý của dự án ngay khi nhận được đề xuất vay vốn của khách hàng. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia địa ốc, một trong những cách đơn giản nhất để kiểm tra tính pháp lý dự án bất động sản đó là người mua nên chủ động đi vay tiền ngân hàng mua nhà. Nghiệp vụ của ngân hàng về pháp lý rất chặt chẽ nên sẽ bảo vệ được quyền lợi cho người mua.
Trường hợp bị từ chối vay tiền, thì lý do cơ bản là pháp lý dự án chưa ổn. Như vậy, ngân hàng không chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp tín dụng mà còn là trợ thủ đắc lực bảo đảm phần nào tính pháp lý giúp cho nhà đầu tư, người mua bảo vệ được quyền lợi của chính mình.
Người mua có thể thông qua ngân hàng để kiểm tra pháp lý của dự án. Ảnh minh họa
Khách hàng có thể phát hiện những vấn đề bất thường về pháp lý bằng cách so sánh hình ảnh thực tế của dự án với thông tin trên hồ sơ mà chủ đầu tư cung cấp.
Đối với dự án nhà chung cư, khách hàng nên lưu ý kiểm tra xem dự án đó đã đủ điều kiện để chủ đầu tư ký kết hợp đồng huy động vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc đã đủ điều kiện để ký kết hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai hay chưa. Còn đối với dự án nhà ở riêng lẻ, trước khi mua khách hàng cần xem kỹ các giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng)
- Thông báo và biên lai nộp thuế trước bạ, bản vẽ hiện trạng ngôi nhà
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên bán để xem họ có phải là chủ sở hữu không, tránh trường hợp giao dịch với chủ thể không có thẩm quyền
Người mua cần đến thực tế dự án để khảo sát và kiểm chứng thông tin. Ảnh minh họa
Nhằm hạn chế tình trạng huy động vốn trái phép, bán “lúa non”, bán dự án ma và lừa đảo trong lĩnh vực bất động sản bùng nổ thời gian qua, một số địa phương đã cho phép người dân kiểm tra pháp lý dự án ngay trên ứng dụng trực tuyến. Tại TP.HCM, Sở Xây dựng TP mới đây đã ra mắt ứng dụng cho phép khách hàng tra cứu thông tin dự án bất động sản như: Pháp lý dự án, tiến độ dự án, hình ảnh thực tế, tên chủ đầu tư, địa chỉ chủ đầu tư, quy mô đầu tư, thông tin về diện tích dự án.
Ngoài ra, ứng dụng này còn cho phép tra cứu quy hoạch, phản ánh góp ý, trưng cầu đánh giá, tra cứu hồ sơ, thủ tục hành chính, tra cứu chứng chỉ hành nghề, giấy phép xây dựng, hướng dẫn sử dụng… Điều này sẽ hỗ trợ khách hàng rất nhiều trong việc tìm hiểu pháp lý của bất động sản trước khi quyết định “xuống tiền”.
Linh Phương (TH)
- Top 9 điểm dừng chân lý tưởng ở Hồ Tràm (20.10.2020)
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy hoạch vị trí sân bay Hồ Tràm (20.10.2020)
- Bất Động Sản Hồ Tràm thiết lập mặt bằng giá mới (20.10.2020)
- Hồ Tràm - Bình Châu thiên đường nghỉ dưỡng (19.10.2020)
- Gần Tp.HCM là ưu thế lớn của bất động sản nghỉ dưỡng Hồ Tràm (19.10.2020)
- Bà Rịa – Vũng Tàu: vị thế từ biển (19.10.2020)
- Kinh tế tăng trưởng, các nhà đầu tư "rủ nhau" săn lùng bất động sản Bà Rịa Vũng Tàu (13.10.2020)
- Hàng loạt dự án hạ tầng chuyển động, BĐS Bà Rịa - Vũng Tàu hưởng lợi (02.10.2020)
- Thành lập "thành phố trong thành phố", thị trường BĐS khu Đông TPHCM năm 2020 sẽ ra sao? (09.03.2020)